
Hoạt động thẩm định giá ở Việt Nam: Muốn nâng cao năng lực cần có một lộ trình
Nghề thẩm định giá của Việt Nam mới xuất hiện từ những năm 1993-1994 của thế kỷ trước, còn khá non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dịch vụ thẩm định giá có vai trò đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế đã chuyển một cách cơ bản từ cơ chế giá hành chính sang cơ chế giá thị trường, cụ thể: qua thẩm định giá góp phần tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách Nhà nước trong đầu tư, thẩm định mua sắm tài sản; xác định giá trị doanh nghiệp chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản, của các nhà đầu tư và của các bên có liên quan tham gia giao dịch.
Trong giai đoạn đầu, cả nước chỉ có 02 Trung tâm thẩm định giá ở trung ương thuộc Ban Vật giá Chính phủ trước đây được thành lập, với số lượng nhân viên gần 300 người, tuy nhiên không ai trong số các nhân viên là thẩm định viên về giá. Khi Pháp lệnh Giá được ban hành và có hiệu lực năm 2002, hoạt động thẩm định giá bắt đầu được thực hiện theo quy định tại pháp lệnh này. Nghị định số 101/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thẩm định giá ra đời ngày 03/8/2005 và sau đó là việc ban hành các Thông tư và Quyết định của Bộ Tài chính liên quan đến hoạt động thẩm định giá có thể coi là một bước đánh dấu sự phát triển của nghề thẩm định giá Việt Nam. Trong giai đoạn này, hoạt động thẩm định giá có nhiều thay đổi, phát triển cả về số lượng thẩm định viên và số lượng các tổ chức tham gia thị trường thẩm định giá.
Đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về thẩm định giá tài sản trong xã hội ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu phải đưa thẩm định giá tài sản trở thành một nghề – một loại hoạt động dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan, đủ năng lực hoạt động nhằm bảo đảm cho nghề thẩm định giá phát huy tốt vai trò của mình, từ đó góp phần bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên tham gia thị trường. Tính đến hết năm 2012, hoạt động thẩm định giá và quản lý nhà nước về thẩm định giá ở Việt Nam bên cạnh những bước tiến và nỗ lực đáng ghi nhận còn có những hạn chế, bất cập nhất định. Việc tìm ra nguyên nhân của những hạn chế này là cơ sở cho việc xây dựng các định hướng và giải pháp nhằm phát triển ngành thẩm định giá trong tương lai. Phân tích cho thấy nguyên nhân của những bất cập, tồn tại này là:
Chưa có định hướng phát triển và chiến lược tổng thể cho hoạt động thẩm định giá;
Tầm quan trọng của hoạt động thẩm định giá còn chưa được xã hội đánh giá tầm quan trọng một cách đúng mức; thậm chí còn có sự lẫn lộn giữa định giá với thẩm định giá; thẩm định dự án, xác định giá trị doanh nghiệp… dẫn đến mỗi Bộ, ngành được giao quản lý có những thiết kế khác nhau về cơ chế quản lý, điều hành từ đó làm nảy sinh những xung đột trong thực hiện, chồng chéo trong quản lý;
Do hoạt động thẩm định giá tại Việt Nam mới hình thành ở giai đoạn đầu, việc tổ chức hoạt động đáp ứng nhu cầu xã hội và công tác đào tạo, học tập kinh nghiệm, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn… phải được tiến hành đồng thời trong khi nguồn lực mọi mặt còn hạn chế. Hơn nữa, có những nội dung trong nước chưa có điều kiện quy định nhưng vẫn phải tổ chức triển khai theo kinh nghiệm của các quốc gia khác;
Năng lực quản lý còn hạn chế so với đòi hỏi của việc đào tạo, hoàn thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển nghề nghiệp.
Như vậy, xuất phát từ yêu cầu của nền kinh tế thị trường, từ thực trạng về hành lang pháp lý cũng như những bất cập trong hoạt động thẩm định giá của Việt Nam; đồng thời qua khảo sát kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới cho thấy nghề thẩm định giá tài sản là một nghề cung ứng dịch vụ tư vấn cho xã hội không thể thiếu của nền kinh tế thị trường. Điều này đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá ở nước ta.
Tập trung giải quyết nội dung này, ngày 28/3/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 623/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Đề án được thiết kế gồm 04 mục tiêu trên cơ sở quán triệt 04 quan điểm định hướng với phạm vi bao gồm cả thẩm định giá của Nhà nước và thẩm định giá của doanh nghiệp, cụ thể:
Về quan điểm định hướng
Phát triển nghề thẩm định giá tài sản ở Việt Nam đảm bảo tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi để đưa nghề thẩm định giá tài sản thành một nghề có tính chuyên nghiệp cao.
Phát triển nghề thẩm định mua sắm tài sản ở nước ta thành công cụ hữu hiệu giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch; giúp cho việc quản lý và sử dụng hiệu quả các tài sản và các nguồn lực; giảm thiểu những rủi ro trong đầu tư; bảo đảm lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên tham gia thị trường thông qua việc xác định đúng giá trị của các tài sản.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước; sự quản lý, giám sát thống nhất của Bộ Tài chính trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản; nâng cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá; tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng nguyên tắc độc lập, khách quan, trung thực trong hành nghề của thẩm định viên.
Phát triển nghề thẩm định giá tài sản ở nước ta phải đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Hội nhập khu vực và quốc tế sâu hơn trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản.
Về mục tiêu
Xây dựng môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; phát triển nghề thẩm định giá theo lộ trình phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia nền kinh tế.
Tăng cường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá, tăng cường và củng cố cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực thẩm định giá đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015, cả nước có khoảng 1400 thẩm định viên về giá; đến năm 2020, cả nước có khoảng 2200 thẩm định viên về giá; nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn.
Phát triển đội ngũ thẩm định viên về giá một cách đồng bộ và có hệ thống nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp; đạt được sự công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bình luận